Quy Trình Kiểm Tra Chất Lượng Tời Điện An Toàn 2024

Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện chuẩn

Trên thị trường hiện nay, tời điện được sản xuất với nhiều kiểu dáng và mẫu mã đa dạng, nhưng chất lượng của từng loại có thể rất khác nhau. Do đó, việc kiểm tra chất lượng tời điện là cần thiết và đã được quy định rõ ràng tại thông tư QTKĐ 14-2016/BLĐBXH, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 28/12/2016. Điều này nhằm đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định và an toàn, tránh những rủi ro không mong muốn trong quá trình sử dụng.

1. Tầm quan trọng của việc kiểm tra chất lượng tời điện

Tời điện là thiết bị được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng, kho bãi, nhằm hỗ trợ nâng hạ các vật nặng, nâng cao chất lượng sản xuất, giảm bớt sức lao động cho công nhân.

Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng tời điện là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và hạn chế những rủi ro không đáng có. Một tời điện không được kiểm tra định kỳ có thể dẫn đến sự cố hỏng hóc, thậm chí gây ra tai nạn nghiêm trọng trong quá trình sử dụng.

Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện
Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện

2. Những danh mục tời điện cần kiểm tra

Để đảm bảo tời hoạt động tốt và an toàn theo quy định, bạn tiến hành kiểm tra các danh mục sau:

Kiểm tra bên ngoài: Bạn kiểm tra vị trí lắp đặt, đảm bảo tời điện được lắp đặt ở vị trí an toàn, ổn định và không gây cản trở cho các hoạt động xung quanh. Hệ thống điện điều khiển không bị rò rỉ, hỏng hóc. So sánh tình trạng thực tế của các bộ phận, chi tiết với hồ sơ kỹ thuật để phát hiện những sai lệch. Kiểm tra tình trạng khung chịu lực, sàn nâng, các mối hàn, mối ghép bulong, đinh tán, puly và cáp, hệ thống dầu thuỷ lực để đảm bảo chúng không bị biến dạng hay hư hỏng.

Kiểm tra điện: Đảm bảo nguồn điện cung cấp ổn định, không bị chập chờn, đứt quãng trong quá trình vận hành. Kiểm tra động cơ xem có hoạt động đúng công suất, không bị quá nhiệt hay gây ra tiếng ồn bất thường khi vận hành. Đánh giá tình trạng hoạt động của bảng điều khiển, các nút bấm, đèn báo hiệu để đảm bảo chúng hoạt động chính xác.

Kiểm tra cơ khí là kiểm tra hệ thống truyền động, khung tời, phụ kiện cơ khí sao cho chúng vẫn hoạt động ổn định, không bị rỉ sét.

– Kiểm tra an toàn: Đảm bảo các công tắc giới hạn hoạt động đúng chức năng, giúp ngăn ngừa tình trạng quá tải hoặc hoạt động ngoài tầm kiểm soát. Các thiết bị bảo vệ như phanh, khóa an toàn, các bộ phận chống rơi không gặp trục trặc.

3. Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện chi tiết

Trước khi tiến hành kiểm tra chất lượng tời điện, cần đảm bảo thiết bị đang ở trạng thái ổn định, môi trường xung quanh không ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kỹ thuật của tời điện, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra.

Bước 1: Chuẩn bị

Quá trình chuẩn bị là nền tảng quan trọng để kiểm định chất lượng tời điện đạt kết quả tốt nhất. Trong bước chuẩn bị, doanh nghiệp cần làm việc trước với cơ quan kiểm định về thời gian, kế hoạch kiểm định để đảm bảo sự chuẩn bị được chu đáo. Hồ sơ cần bao gồm bản vẽ, các giấy tờ liên quan đến thiết bị, giúp kiểm định viên có cơ sở so sánh và đánh giá tình trạng hiện tại của tời điện.

Các loại kiểm định cụ thể:

Kiểm định lần đầu: Thực hiện ngay sau khi lắp đặt tời điện và trước khi đưa vào hoạt động. Trong quá trình này, cần chuẩn bị tải trọng thử để kiểm tra sức nâng của tời, cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan.

Kiểm định định kỳ: Được thực hiện theo lịch trình đã quy định, nhằm đảm bảo thiết bị luôn trong trạng thái hoạt động tốt nhất.

Kiểm định bất thường: Kiểm tra thường đột xuất không báo trước, sau khi thiết bị gặp sự cố, hoặc thay đổi vị trí cần thực hiện kiểm định bất thường để đánh giá tình trạng an toàn và hoạt động của tời điện.

Bước 2: Thực hiện kiểm tra

Quá trình thực hiện kiểm tra được chia thành nhiều giai đoạn, nhằm đảm bảo tất cả các yếu tố kỹ thuật và an toàn của tời điện được kiểm tra kỹ lưỡng.

Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài: Bao gồm vỏ máy, kết cấu bên trong, phanh xích, móc treo, motor tời, đảm bảo chúng vẫn hoạt động tốt.

Kiểm tra kỹ thuật và thử không tải: Tiến hành thử không tải tất cả các cơ cấu và thiết bị, bao gồm: các cơ cấu và trang bị điện, các thiết bị an toàn, phanh, hãm và các thiết bị điều khiển, chiếu sáng, tín hiệu. Cần thực hiện bước thử không tải ít nhất là ba lần, như vậy mới có thể chắc chắn về độ an toàn của tời.

Thử tải tĩnh: Thử nghiệm với tải trọng 125% tải trọng làm việc an toàn (SWL) hoặc tải trọng sử dụng (Q(sd)). SWL là tải trọng làm việc an toàn của thiết bị, trong khi Q(sd) là tải trọng sử dụng theo yêu cầu của cơ sở, không vượt quá tải trọng thiết kế. Kết quả kiểm định đạt yêu cầu nếu trong 10 phút thử tải, tời điện không xuất hiện vết nứt, biến dạng vĩnh cửu hoặc hư hỏng nào khác, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của TCVN 4244:2005 (Tiêu chuẩn Việt nam về thiết bị nâng).

Thử tải động: Thử tải động với tải trọng 110% trọng tải thiết kế hoặc trọng tải do. Kết quả thử tải động đạt yêu cầu khi các cơ cấu và bộ phận của thiết bị hoạt động đúng chức năng thiết kế, không có vết nứt hay biến dạng nào xuất hiện.

Bước 3: Đánh giá và kết luận

Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra, cần lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo mẫu quy định. Biên bản này là cơ sở để đánh giá tình trạng của tời điện và đề xuất các biện pháp khắc phục nếu có.

Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn lao động
Quy trình kiểm tra chất lượng tời điện nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn lao động

4. Một số lưu ý khi tiến hành kiểm tra chất lượng tời điện

An toàn lao động: Người kiểm tra phải trang bị đầy đủ bảo hộ như găng tay, kính bảo hộ, và giày an toàn. Đặc biệt chú ý đến các chi tiết quan trọng và tìm hiểu nguyên nhân hư hỏng để đảm bảo an toàn.

Kiến thức chuyên môn: Kiểm định tời điện yêu cầu kiến thức kỹ thuật cao. Nên sử dụng dịch vụ từ các trung tâm uy tín, tránh tự ý kiểm tra để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Ghi chép đầy đủ: Mọi kết quả kiểm tra phải được ghi lại chi tiết để dễ theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời lưu trữ hồ sơ hệ thống.

Tuân thủ quy định: Sử dụng dụng cụ chuyên dụng và tuân thủ các quy định an toàn hiện hành để đảm bảo quá trình kiểm tra chính xác và hiệu quả.

Kiểm tra chất lượng tời điện là một bước quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và hiệu suất hoạt động của thiết bị. Tời điện là một công cụ không thể thiếu trong các công trình xây dựng, sản xuất công nghiệp, và vận chuyển hàng hóa nặng. Việc kiểm tra định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề kỹ thuật, ngăn ngừa tai nạn lao động, và kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Bỏ qua quy trình kiểm tra có thể dẫn đến hỏng hóc bất ngờ, gây tổn thất lớn cả về tài sản và con người.

Zalo phone